Những thay đổi quan trọng liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội từ năm 2020.
I. Thay đổi về mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội
Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) căn cứ vào tỷ lệ đóng và Mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong khi tỷ lệ đóng BHXH năm 2020 không có gì thay đổi, thì mức tiền lương tháng đóng BHXH tối thiểu và tối đa thay đổi ít nhiều do mức lương tối thiểu vùng mới từ ngày 01/01/2020, và mức lương cơ sở được điều chỉnh từ ngày 01/7/2020.
– Mức lương đóng BHXH tối thiểu: Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng;
– Mức lương đóng BHXH tối đa: Bằng 20 lần mức lương cơ sở.
II. Thay đổi liên quan đến chế độ hưu trí
1. Thay đổi độ tuổi hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên
Theo điểm a khoản 1 Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
– Từ năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động
– Từ năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở đi.
2. Thay đổi cách tính lương hưu hàng tháng đối với lao động nam
Theo điểm a khoản 2 Điều 56, điểm a khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội:
Mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với số năm đóng bảo xã hội. Trong đó, với lao động nam nghỉ hưu vào năm 2020 thì được tính là 18 năm (nếu nghỉ vào năm 2018 được tính là 16 năm, năm 2019 được tính là 17 năm).
Đối với lao động nữ, cách tính lương hưu năm 2020 không có gì thay đổi so với hiện nay.
3. Thay đổi mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần
Theo điểm e khoản 1 Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội:
Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này, nếu tham gia BHXH từ năm 2020 đến ngày 31/12/2024 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
III. Thay đổi về các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội
Từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở tăng lên 1,600,000 đồng/tháng thay vì 1,490,000 đồng/tháng như trước đó. Do vậy, nhiều khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng đồng loại tăng theo. Người tham gia bảo hiểm cũng vì thế mà hưởng lợi.
Điển hình là một số khoản phụ cấp sau:
1. Trợ cấp một lần khi sinh con
Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được trợ cấp 1 cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở.
Như vậy:
Từ 01/01/2020: Mức trợ cấp bằng 2 x 1,49 triệu đồng = 2,98 triệu đồng.
Từ 01/7/2020: Mức trợ cấp bằng 2 x 1,6 triệu đồng = 3,2 triệu đồng (tăng 220.000 đồng).
2. Mức trợ cấp dưỡng sức sau khi sinh, sau khi nghỉ ốm đau
Điều 29, 41 của Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản được hưởng trợ cấp một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Từ 01/01/2020: Mức trợ cấp bằng 30% x 1,49 triệu đồng = 447.000 đồng/ngày.
Từ 01/7/2020: Mức trợ cấp bằng 30% x 1,6 triệu đồng = 480.000 đồng/ngày (tăng 33.000 đồng/ngày).
3. Mức trợ cấp mai táng
Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: Người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.
Từ 01/01/2020: Mức trợ cấp bằng 10 x 1,49 triệu đồng = 14,9 triệu đồng.
Từ 01/7/2020: Mức trợ cấp bằng 10 x 1,6 triệu đồng = 16 triệu đồng (tăng 1,1 triệu đồng).
Trả lời